Cụ Nguyễn Bản thuộc chi họ Nguyễn - Hưng Long ở Lại Xá, Thư Trì, Thái Bình, đã di cư xuống lập nghiệp ở Tiền Hải, Thái Bình, vẫn có nguyện vọng đi vấn tổ tìm tông. Cụ biết trong gia phả có ghi cụ Tổ Nguyễn Xuân Thiêm, tự Uy Dũng, sinh quán tại thôn Hưng Long, xã Chủng Lan, huyện Thần Khê, tỉnh Hưng Yên. Cái tên địa danh xưa đó vẫn còn trên đất Thái Bình mới thành lập ngày nay. Cụ cũng biết họ Nguyễn - Hưng Long thuộc dòng dõi nhà nho thường sống kết hợp ba nghề là làm ruộng, dạy nho học và làm thuốc đông y. Dựa vào đặc tính đó, cụ đi tìm cội nguồn dòng họ, cụ tìm đến ông đồ Rát đang làm thuốc đông y ở làng Đoan Túc ven thị xã Thái Bình.
Ông đồ Rát, tên thật là Phạm Hữu Lại, con cụ Phạm Hữu Miễn. Cụ Miễn là con cụ Lãnh Bí, một thủ lĩnh địa phương của phong trào Cần Vương chống Tây thời vua Hàm Nghi. Năm 1889, cụ Lãnh Bí bị phản bội, rồi bị bắt và bị hành quyết. Cụ Miễn lúc đỗ mới 12 tuổi được cụ kép Hàm, quân sư của cụ Lãnh Bí đưa về giấu ở Hưng quan và được cụ đồ Phú, anh ruột cụ kép Hàm, giả nhận là cháu họ để nhận làm con nuôi. Vì thế sau này ông đồ Rát vẫn theo giỗ bên cụ đồ Phú và thăm viếng cụ kép Hàm.
Ông đồ Rát dẫn cụ Bản về giới thiệu với cụ đồ Thuyên là con cụ kép Hàm đang làm thuốc đông y ở thị xã Thái Bình. Hai bên đã đàm đạo nhận ra khả năng cùng một cội nguồn dòng họ. Sau cuộc hội ngộ lần đầu đó, một đoàn thuộc họ Nguyễn ở Hưng Quan được tổ chức gồm 4 người là cụ Nguyễn Khắc Lượng, cụ Nguyễn Trọng Tám (đời 8), anh Nguyễn Trọng Đổng và anh Nguyễn Viết Lân (đời 10), do cụ Nguyễn Bản dẫn đường tổ chức một cuộc bộ hành sang gặp các cụ họ Nguyễn ở Lại Xá, Thư Trì, Thái Bình rồi đi bộ tiếp sang gặp các cụ họ Nguyễn ở Xối Tây, Nam Thanh, Nam Trực, Nam Định. Việc chắp nối dòng họ được các cụ trao đổi, công nhận hai dòng họ đều là con cháu cụ Thuỷ tổ Nguyễn Thuần Tín và cũng xác định dòng họ Nguyễn ở Hưng Quan, hậu duệ của của cụ tổ Nguyễn Đôn Chất là dòng trưởng, dòng họ Nguyễn ở Xôi Tây, hậu duệ của cụ tổ Nguyễn Xuân Thiêm là dòng thứ.
Cũng trong thời gian này, nhà nước đang có chủ trương củng cố và xây dựng mạng lưới y tế nông thôn, đồng thời cùng để quản lý và sử dụng đội ngũ các thầy lang hiện có vào việc chữa bệnh cho nhân dân bằng thuốc đông y, nên đã mở những lớp huấn luyện tập trung các thầy lang, định ra tiêu chuẩn để xét cấp hành nghề chính thức. Do một sự tình cờ, cụ Nguyễn Xuân Tụng, đời 8 dòng trưởng ở Hung Quan và cụ Nguyễn Đức Tụng, đời 11 dòng thứ ở Lại Xá đã được triệu tập cùng một đợt và được bố trí ở cùng một nhà ở thị xã Thái Bình để theo học lớp huấn luyện tập trung đó. Hai cụ đã phát hiện ra nhau và là một dịp trao đổi về gia phả dòng họ Nguyễn - Hưng Long.
Lúc này, ông đồ Rát đang giữ chức chi hội trưởng chi hội đồng y của huyện Thư Trì, có quan hệ đồng nghiệp với cụ Nguyễn Đức Tụng nên thường lui tới nhà cụ “Chánh Tụng" ở Lại Xá. Ông đồ Rát đã có quan hệ thân tình với họ Nguyễn - Hưng Long ở Hưng Quan theo quan hệ cha ông để lại trước đây và bản thân cũng đã từng là học trò học chữ Quốc ngữ ông Nguyễn Đình Thiến ở Hưng Quan. Vì thế ông đồ Rát đã nhiệt tình đưa đường chắp nối 2 dòng họ Nguyễn – Hưng Long.
Để thật chắc chắn, năm 1961, cụ Nguyễn Đức Tụng cùng cụ Nhất Cẩn, cụ Khóa Giản do ông đồ Rát dẫn đường sang đất Hưng Quan để nghiên cứu và trao đổi về gia phả của hai dòng họ. Lần này, cụ Nguyễn Đức Tụng đã ghi lại "tự hiệu- liên tổ”. Năm 1964, cụ Nguyễn Văn Hạnh đã soạn lại gia phả dòng thứ Nguyễn Xuân Thiêm, có ghi ở trang đầu theo lời ghi của cụ Nguyễn Đức Tụng như sau:
"Thuỷ tổ Khảo Nguyễn lệnh công húy Thuần Tín, hậu thần, giỗ ngày 8 tháng 2.
Thuỷ tổ tỷ Nguyễn môn chánh thất Đoàn quý hiệu Từ Mẫn nhụ nhân, giỗ ngày 21 tháng 2.
Cụ Thuần Tin sinh được hai cụ:
Cách ghi chép này thể hiện sự nhất trí về thế thứ giữa hai cụ tổ Đôn Chất và Xuân Thiêm và giữa hai dòng ở hai tỉnh.
Cũng trong năm 1961, cụ Nguyễn Đức Tụng, ông Nguyễn Văn Thuận và ông Nguyễn Quốc Kế lại cùng ông đồ Rát sang Hưng Quan "ăn giỗ”, mở đầu quan hệ đi lại thường xuyên hơn theo tinh thần “theo giỗ" giữa hai dòng họ.
Năm 1977, một sáng tác văn thơ tế tổ (chưa rõ tác giả) đã được đọc trước ban thờ tổ ở Hưng quan nhân ngày giỗ Tổ 15 tháng 1 năm Đinh Tỵ để kính báo lên tiên tổ và đã đánh dấu một mốc son thành văn về quan hệ anh em dòng họ Hưng Quan, Xối Tây, Lại Xá, cùng một cội nguồn họ Nguyễn - Hưng Long.
Đến năm 1986, hai ông Nguyễn Văn Kính và Nguyễn Văn Là về thăm quê hương ở Hưng Quan bái tổ dự lễ thượng nguyên đã phát hiện hai cuốn phả còn chưa đầy đủ cho cả hai dòng họ, hẹn dịp bổ sung cho nhau.
Năm 1987, có cuộc hội ngộ giữa các ông Nguyễn Trọng Tám, Nguyễn Trọng Nha (dòng trưởng), Nguyễn Hữu Thuận, Nguyễn Xuân Hoà, Nguyễn Văn Hạnh và Nguyễn Quốc Kế (dòng thứ) để trao đổi về lịch sử dòng họ Nguyễn Hưng Long. Ông Nguyễn Quốc Kế dựa theo nội dung trao đổi đã viết một bài thảo về lịch sử Nguyễn tộc gửi “biếu” dòng trưởng.
Năm 1990, ông Nguyễn Năng An (đời 10) cùng đoàn đại diện dòng trưởng, sang Xối Tây dự lễ trung nguyên, thực hiện lời hẹn, đã trao đổi bổ sung gia phả. Ông Nguyễn Năng An có tư liệu gia phả dòng thứ để bổ xung vào gia phả dòng trưởng và ông Nguyễn Văn Là có tư liệu gia phả dòng trưởng để bổ sung vào gia phả dòng thứ.
Cuối năm 1997, nhà thờ họ Nguyễn ở Hưng Quan được xây mới, được đặt tên là Hưng Long Từ để nhớ quê hương gốc cụ tổ. Khi chuẩn bị khánh thành nhà thờ mới vào dịp giỗ tổ 15 tháng 1 năm Mậu Dần (1998), họ Nguyễn đã làm lễ rước bài vị và bát hương từ nhà thờ cũ lên nhà thờ mới, đồng thời cũng làm lễ lập bài vị thờ cụ Tổ Nguyễn Xuân Thiêm bên cạnh cụ thuỷ tổ Nguyễn Thuần Tín và сụ tổ Nguyễn Đôn Chất ở chính cung.
Năm 1997, ông Nguyễn Trọng Khiển (đời 9, dòng trưởng) sau khi được đọc bài viết về lịch sử Nguyễn tộc của Nguyễn Quốc Kế do ông Nguyễn Xuân Phưởng gìn giữ, đã tìm sang Xối Tây, Nam Định và Lại Xá, Thư Trì, Thái Bình,hy vọng có thể tìm thấy ở gia phả dòng thứ những tư liệu rõ hơn về các cụ tổ.
Nhân dịp này, ông đã có được quyển phả họ Nguyễn - Hưng Long do ông Nguyễn Chí Hiền (đời 14, dòng thứ) biên soạn sau khi đã chắp nối cội nguồn với họ Nguyễn - Hải Hậu, Nam Định. Hai họ Nguyễn - Hưng Long và họ Nguyễn Hải Hậu đều là con cháu cùng một dòng họ Nguyễn đại tộc mà Đức Khởi tổ Nguyễn Bặc, Thái tể Định quốc công triều vua Đinh Tiên Hoàng (970-979). Với sự chắp nối này, họ Nguyễn - Hưng Long đã được khơi nguồn ngược dòng lịch sử thêm 700 năm, tới cuối thiên niên kỷ thứ nhất và cụ Thuỷ tổ Nguyễn Thuần Tín của họ Nguyễn - Hưng Long là cháu đời thứ 20 của Đức Khởi tổ Nguyễn Bặc.
Vùng đất biển Quần Anh, Hải Hậu đã được cụ Trần Vu, cụ Vũ Chi, cụ Hoàng Gia và cụ Phạm Cập dựa vào lời chiếu khuyến nông năm 1429 của vua Lê Thái Tổ, đứng ra tổ chức khai phá đầu tiên. Sau đó người của 9 họ khác đứng đầu là họ Nguyễn (khôi cửu tính) từ Tương Đông và các nơi tập hợp về chung sức khai hoang lấn biển vùng Quần Anh, nay đã trở thành vùng đất trù phú. Con cháu họ Nguyễn ở đây rất đông, hiện có 145 chi họ với 145 từ đường thờ các cụ tổ xa gần của họ Nguyễn và một nhà thờ chung ở xã Hải anh thờ phụng các cụ Nguyễn Bặc, Nguyễn Trãi, Nguyễn Kim, có một phong trào hoạt động tộc tính khá cao, có một ban soạn thảo phả họ Nguyễn - Hải Hậu hoạt động có hiệu quả,chấp nối hầu hết các chi họ Nguyễn ở Hải Hậu lại thành một sơ đồ phả thống nhất theo một thế thứ nhất định.
Ông Nguyễn Chí Hiền đã có thời gian hoạt động ở huyện Hải Hậu và Nam Định nên đã có dịp tiếp xúc với phong trào hoạt động tộc tính của họ Nguyễn - Hải Hậu nói trên và phát hiện ra có sự trùng tên 7 cụ tổ của 5 đời liên tiếp giữa phả của họ Nguyễn - Hải Hậu và họ Nguyễn - Hưng Long. Sự trùng tên liên tiếp đó là mối chắp nối cội nguồn giữa hai họ Nguyễn mở ra một triển vọng khơi nguồn rộng lớn cho họ Nguyễn - Hưng Long trong dòng họ đại tộc Nguyễn Bặc.
Để có thể khẳng định được sự chính xác của mối chắp nối đó, cuối năm 1998 và cuối năm 1999, ông Nguyễn Trọng Khiển đã về Hải Hậu hai lần để tìm tư liệu về cụ tổ Trực Tâm và các cụ tổ gần gũi với cụ tổ Trực Tâm, được cụ Nguyễn Ngọc Trác, một thành viên trong ban biên soạn Nguyễn đại tông thế phả của họ Nguyễn Hải Hậu là hậu duệ của tổ Chính Tâm cho biết là ở xã Hải Trung còn có một ngôi "thất mộ tổ”, trong đó đã xác định được bốn cụ là cụ Trực Tâm, cụ Chính Tâm là anh cả của cụ Trực Tâm, cụ Chính Minh là con thứ ba cụ Trực Tâm và cụ Phúc Lộc là con thứ hai cụ Uy Dũng, cháu nội cụ Trực Tâm.
Ông Nguyễn Trọng Khiển đã được ông Nguyễn Văn Tuyến, một thành viên trong ban biên tập thế phả họ Nguyễn - Hải Hậu, dẫn đến viếng “thất mộ tổ”, đã đi sâu vào nhiều chi họ và đã phát hiện được những dòng chữ nho trong quyển gia phả của cụ Chương ở Hải Phương, người phụ trách phụng tự ở nhà thờ tổ Trực Tâm, nói về sự thiên cư của tổ Hưởng Phúc, ông nội của tổ Trực Tâm,và của tổ Liễu Nghi, thân sinh ra tổ Trực Tâm, như sau:
Nghĩa là
Hưởng Phúc công tứ thế tổ dã dữ thời Thanh Hoá.
Hưởng Phúc công tự Thanh Hóa thiên ư Hoành đông.
Liễu Nghi công thuỷ tự Hoành Đông thiên ư Quần anh thị vi Quần Anh thuỷ thiên chi tổ. Chủy bản tắc thượng
Nghĩa là:
Tổ bốn đời của tổ Hưởng Phúc lúc đó là ở Thanh Hoá (tức Nguyễn Kim).
Tổ Hưởng Phúc từ Thanh Hoá dời đến ở Hoành Đông.
Tổ Liễu Nghi lại từ Hoành Đông dời đến Quần Anh và là tổ đầu tiên đến Quần Anh. Dòng dõi gốc là như vậy
Theo quyển “Các trấn tổng xã danh bị lãm” thì Hoành Đông là một thôn thuộc tổng Hoành Nha, huyện Giao Thuỷ, phủ Thiên Trường, trấn Sơn Nam Hạ.
Cuộc vấn tổ tìm tông theo hướng Hải Hậu tạm thời ở mức này, khi nào có điều kiện lại đi tìm hiểu thêm. Đến đây, với các tư liệu và tin tức thu thập được có thể xây dựng thành một giả thuyết về thân thế sự nghiệp và phạm vi hoạt động của cụ tổ Nguyễn Thuần Tín tức cụ tổ Trực Tâm. Giả thuyết này sẽ là phương hướng đi tìm hiểu xác minh tiếp. Những chi tiết, những sự việc trong giả thuyết sẽ được chấp nhận hoặc bị bác bỏ mà dần dần hình thành một giả thuyết gần sự thật hơn:
Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi vua nhà Lê. Tổ Nguyễn Kim là người đưa Lê Duy Ninh lên làm vua (vua Lê Trang Tông 1533-1548), nối tiếp triều nhà Lê, mở đầu thời Lê Trung Hưng,
Năm 1545, Tổ Nguyễn Kim bị tướng trá hàng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất ám hại bằng thuốc độc. Con rể của Nguyễn Kim là Trịnh Kiểm ám hại con trưởng của Nguyễn Kim là Nguyễn Uông để chiếm đoạt quyền thừa kế và quyền thống lĩnh chỉ huy quân đội. Trước tình hình đó, Nguyễn Hoàng là em ruột Nguyễn Uông đã tìm cách lánh xa để tránh hậu hoạ bằng cách thông qua chị ruột là Nguyễn Thị Ngọc Bảo (vợ Trịnh Kiểm) xin vào trấn thủ Thuận Hoá (Huế ngày nay) rồi trở thành người sáng lập ra triều Nguyễn sau này. Cũng trước tình hình đó, con trưởng của Nguyễn Uông là Tài Nông cũng từ Thanh Hóa lánh về quê gốc ở thôn Đại Hữu, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình và vừa để trông coi phần mộ của Đức Khởi Tổ Nguyễn Bặc. Con thứ hai của Tài Nông là Hưởng Phúc về đất Hoành Đông, thuộc huyện Giao Thuỷ, phủ thiên Trường Trấn Sơn Nam để lập nghiệp. Có thể đã sinh ra Liễu Nghi ở đó. Đến lượt Liễu Nghi từ Hoành Đông về Quần Anh lập nghiệp tham gia mở mang phát triển mảnh đất mới khai hoang lấn biển. Tổ Trực Tâm là con thứ 6 của tổ Liễu Nghi có thể được sinh ra ở đất Quần Anh vẫn được nuôi dưỡng ăn học nối nghiệp nho gia, đã đỗ cử nhân, được bổ nhiệm làm quan huấn đạo vào giảng dạy ở triều đình thời vua Lê Hy Tông và chúa Trịnh Tạc, nhưng do có những bất đồng gì đó làm tổ không hài lòng, trong khi còn đang bị ám ảnh mặc cảm về chuyện Trịnh Kiểm đã ám hại ông tổ ngũ đại của mình là Nguyễn Uông, nên tuy còn trẻ vẫn xin từ quan về làm dân thường sống trong lòng nhân dân. Tổ Trực Tâm không về sinh quán để đề phòng bất trắc có thể xảy ra, mà về lập nghiệp ở đất Lan Trang xã Chủng Lan (nay là thôn Hưng Quan, xã Trọng Quan, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình). Về đất mới, tổ lập trang trại, làm ruộng dạy học và lập gia đình, giấu tên Trực Tâm, lấy tên mới là Đức Thụ, với ý tưởng sống nhân đức và lấy tên hiệu là Hưng - Long đồng thời cũng đặt tên chữ cho làng mới đến lập nghiệp là Hưng Long để ghi nhớ quê tổ ở Thanh Hoá.
Tổ sinh được ba con trai. Hai trai đầu là Nguyễn Phúc Thiện và Nguyễn Xuân Thiêm đều đỗ tú tài nối nghiệp dòng nho gia. Con trai thứ ba là Nguyễn Chính Minh.
Con trưởng Nguyễn Phúc Thiện tiếp tục nối nghiệp cha làm ruộng và dạy học ở sinh quán Hưng Long, lấy tên hiệu là Hải Nhân, khi mất được đặt tên thụy Nguyễn Đôn Chất.
Con thứ hai Nguyễn Xuân Thiêm, tên tự là Uy Dũng, năm 1710 làm sang Xối Tây, xưa thuộc tổng Trung Lao, huyện Nam Chân, phủ Thiên Trường, trấn Sơn Nam Hạ, nay thuộc xã Nam Thanh, Nam Trực, Nam Định để dạy học rồi lập gia đình ở đó và trở thành ông tổ họ Nguyễn Hưng Long ở đất Xối Tây và cũng đặt tên thôn đang ở của Xôi Tây là Hưng Long để nhớ quê cha đất tổ, có phần mộ và nhà thờ phụng tụ ở đất Xối Tây.
Riêng tổ Đức Thụ (Trực Tâm), vì lý do gì đó, để cụ bà ở lại với con trưởng ở Hưng Long, trở về đất Quần Anh, Hải Hậu là nơi có đông anh em họ hàng mang theo người con thứ ba Nguyễn Chính Minh về lập nghiệp ở sinh quán cũ,được gọi theo tên cũ là Trực Tâm, rồi lâm chung ở đó với tên thụy là Nguyễn Thuần Tín. Phần mộ của tổ Trục Tâm đặt chung trong ngôi "Thất mộ tổ” ở xã Hải Trung và có nhà thờ phụng tự ở xã Hải Phương.
Như vậy, ba con trai là ba cụ tổ của ba dòng nảy cành xanh lá ở ba nơi. Riêng dòng hai của tổ Nguyễn Xuân Thiêm ở Xối Tây sau cũng tách ra làm ba phân dòng. Con trưởng của tổ Nguyễn Xuân Thiêm là Nguyễn Tất Tiên ở lại lập nghiệp ở sinh quán Xối Tây. Con thứ hai là Phúc Lộc cũng quay về đất Quần Anh lập nghiệp hình thành một phân dòng ở Hải Trung, Hải Hậu. Phần mộ tổ Phúc Lộc đặt chung trong ngôi “thất mộ tổ" ở xã Hải Trung và dòng tổ Phúc Lộc cũng lập nhà thờ phụng tự tổ Uy Dũng ở xã Hải Trung. Sau này, cháu 5 đời tổ Nguyễn Xuân Thiêm là Nguyễn Văn Tự từ Xối Tây di sang ở Lại Xá, Minh Lãng, Thư Trì, Thái Bình hình thành ở đó một phân chi, có phần mộ và nhà thờ riêng ở Lại Xá.
Đường đi từ Hải Trung, Hải Hậu về Xối Tây, Nam Thanh, Nam Trực, tắt qua bến đò Trực Cát (bến đò huyện) chỉ khoảng hơn một chục cây số, nên quan hệ đi lại và thông tin thuận tiện hơn. Phả họ Nguyễn dòng Phúc Lộc ở Hải Trung có ghi được 5 đời các cụ tổ dòng họ Nguyễn ở Xối Tây, làm đầu mối chắp nối dòng họ hiện nay của họ Nguyễn - Hưng Long với họ Nguyễn Hải Hậu. Nhưng phả họ Nguyễn ở Xối Tây không ghi gì về họ Nguyễn ở Hải Trung, mà còn ghi cụ Nguyễn Tất Tiên là con độc nhất của cụ Uy Dũng mở đầu ba đời độc đinh, có thể do mất liên lạc thông tin hoặc phả ở Xối Tây đã bị đốt cháy khi cụ Nguyễn Khắc Lũng ở Xối Tây bị hành quyết vì hoạt động chống Tây.
Đường đi từ Hưng Quan Thái Bình sang Hải Trung Hải Hậu, Nam Định quá xa do phương tiện giao thông lúc bấy giờ chỉ là đi bộ và đi thuyền nên mối quan hệ thông tin giữa hai dòng trưởng Nguyễn Phúc Thiện và dòng ba Nguyễn Chính Minh không được duy trì chắp nối. Trong phả hai dòng không có tư liệu về nhau. Tuy nhiên, trong họ Nguyễn ở Hưng Quan vẫn còn lưu truyền một tin là thuỷ tổ Nguyễn Thuần Tín còn có người con thứ ba, không biết tên, không biết đi đâu, làm gì ở đâu; có thể tin lưu truyền đó ứng vào cụ Chính Minh nói trên.
Ngoài ra, có hai cái tên được giao lưu sang nhau giữa Hưng Quan và Quần Anh, đó là tên tự Nguyễn Phúc Thiện của con cả ở Hưng Quan (không được ghi trong phả ở Hưng Quan) được cụ thuỷ tổ mang sang Quần Anh, và tên thụy Nguyễn Thuần Tín của thủy tổ khi lâm chung ở Quần Anh (không lại ở phả họ Nguyễn-Hải Hậu) được cụ Nguyễn Phúc Thiện sang Quần Anh đưa tang cha đã mang về Hưng Quan đưa vào văn khấn.
Còn tên làng Hưng Long, quê hương của cụ thuỷ tổ Nguyễn Thuần Tín,tương truyền là ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá; nhưng tra cứu trong quyển“Các trấn tổng xã danh bị lãm" được biên soạn vào đầu thế kỷ thứ 19 và được đánh giá là quyển sách đầu tiên thuộc loại thống kê các tên làng xã xa xưa thì ở huyện Thọ Xuân và cả tỉnh Thanh Hoá không có làng Hưng Long. Như vậy, tên Hưng Long có lẽ đã xuất phát từ tên làng Gia Miêu, xưa kia là làng Gia Hưng đổi tên, thuộc xã Hà Long, huyện Hà Trung, Thanh Hoá, quê hương của tổ Hưởng Phúc, ông nội của tổ Nguyễn Thuần Tín, có con suối Long Khê chảy qua. Cụ tổ Nguyễn Thuần Tín với tâm hồn lãng mạn tình quê hương đã ghép tên làng tên suối thành tên Hưng Long. Trong đó chữ “Long” là rồng của tên Long Khê đổi thành chữ “Long” là thịnh vượng để đặt tên hiệu cho mình và cho làng mới đến lập nghiệp ở đất Lan Trang sau khi từ quan để ghi nhớ quê tổ, vừa giữ kín được tông tích bản thân, vừa truyền lại cho con cháu thông tin về quê gốc của mình. Sau này con cháu của tổ cũng lấy cái tên Hưng Long đó đặt tên cho làng mới đến lập nghiệp ở Xối Tây và ở Lại Xá để nhắc nhở con cháu ghi nhớ quê hương đất tổ.
Theo cách đặt tên đó, rất có thể hơn một thế kỷ sau, Nguyễn Ánh, ông vua khai sáng triều Nguyễn khi lên ngôi cũng đặt tên hiệu cho mình là Gia Long, ghép từ tên làng suối quê hương Gia Miêu và Long Khê mà thành.
Đó cũng là cách thông thường để ghép thành tên, ví dụ như năm 1779,Ngô Thì Sĩ là quan tổng trấn Lạng Sơn, quê ở làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, đã ghép lên làng tên huyện thành tên Nhị Thanh để đặt tên hiệu cho mình và đặt tên cho động (hang đá) mà ông vừa mới phát hiện ở Lạng Sơn.
Trên là giả thuyết, hy vọng sẽ được dần dần xác minh chấp nhận hoặc bác bỏ từng chi tiết, từng phần hoặc xây dựng một giả thuyết khác để tiến gần đến một giả thuyết sát với sự thật hơn, làm rõ hơn thân thế sự nghiệp và phạm vi hoạt động của các cụ tổ, chứng minh sự chính xác của việc chắp nối.
Vài lời nói thêm, nghe nói cuộc vấn tổ tìm tông trong họ Nguyễn - Hưng Long đã được bắt đầu từ thời cụ Tú Nghinh vào khoảng những năm 1930, tức là trước thời cụ Bản khoảng hơn 20 năm, nhưng nay không còn người kể lại.
Nguyễn Trọng Khiển
Viết theo lời kể của các ông:
Nguyễn Trọng Tiễn - Nguyễn Viết Lân
Nguyễn Văn Húc - Nguyễn Quốc Kế
Phạm Hữu Lại (Ông đồ Rát)