Trải qua quá trình lịch sử lâu dài, mọi đất nước, mọi triều đại đều có thăng có trầm, có thịnh có suy. Trong một dòng họ cũng vậy, thậm chí còn diễn ra sự chênh lệch hưng suy giữa các ngành trong một họ. Trong quá trình phát triển ấy, đã xuất hiện những điều hay và chưa hay hoặc không hay. Nhưng với đặc tính hướng thiện của con người, những cái hay bao giờ cũng được lưu truyền lâu dài qua nhiều thế hệ, thông qua những dòng văn học trong dòng họ như văn thơ, câu đối, văn tế, gia phả..v..v.. hoặc thông qua những câu chuyện kể truyền miệng được khắc sâu trong tâm khảm. Những cái chưa hay hoặc không hay đôi khi cũng được nhắc lại mang tính chất rút ra những bài học phản diện, nhưng dần dần sẽ được thời gian sàng lọc, xoá mờ để rồi rơi vào quên lãng.
Như vậy cái được lưu truyền lâu dài là những bài học hay, những cái cối lõi thành truyền thống tốt đẹp của một dòng họ để giáo dục các thế hệ con cháu tiếp theo. Những cái hay đó là những cầu nối giáo dục, những việc làm rạng rỡ,những thành đạt vinh hiển đã có thật trong lịch sử dòng họ để con cháu học tập noi theo làm được như thế hoặc hơn như thế góp phần vinh hiển cho bản thân,rạng rỡ cho dòng họ và có ích cho đất nước.
Họ Nguyễn - Hưng Long cũng đã có những truyền thống tốt đẹp được lưu truyền bằng ngôn ngữ nho học hoặc dân dã từ nhiều thế hệ. Một cuộc hội thảo của Hội đồng gia tộc mở rộng nhân ngày phát phần thưởng khuyến học Hưng Long đầu tiên vào ngày 2-9-1999, sau khi nghe ý kiến trình bày ban đầu, ý kiến của Nguyễn Năng Nhu trích trong bức thư gửi về góp ý và các ý kiến thảo luận, đã tạm đúc kết thành tám chữ vàng, dễ hiểu, dễ nhớ:
CẦN CÔNG - HIẾU HỌC
NHÂN ĐỨC - TU THÂN
CẦN CÔNG là từ ghép hai chữ CẦN và CÔNG đi với nhau để thúc đẩy hỗ trợ lẫn nhau.
CẦN là cần mẫn, chuyên cần, siêng năng, chăm chỉ, đào sâu nghiên cứu để có những cải tiến, sáng tạo, phát minh. Một vế của một đôi câu đối lưu truyền trong họ đã xác định chữ CẦN để khuyên nhủ con cháu:
Thánh nhân sở bảo tại CẦN, nhất CẦN thiên hạ vô nan sự.
Quân tử tề gia tiên NHẪN, bách NHẪN đường trung hữu thái hoà.
Tạm dịch:
Thánh nhân đáng quý là do tại CẦN, với một tính CẦN thiên hạ không việc gì khó.
Quân tử tề gia trước tiên là NHẪN, với trăm lần NHẪN gia đình êm ấm yên vui.
CÔNG là công sức, bằng lao động và công sức của chính mình, có tranh thủ sự hỗ trợ nhất định của ngoại lực nhưng tự lực tự cường vẫn là chính, có ý chí hoàn thành từng bước những ý đồ cụ thể hoặc cả mặt tiền đồ của mỗi người.
HIẾU HỌC là say sưa ham mê học tập một cách có mục tiêu, có chương trình kế hoạch, ra sức khắc phục những khó khăn các mặt về cá nhân, về hoàn cảnh và điều kiện để tự tạo ra khả năng tiếp tục theo đuổi việc học. Học trong sách vở báo chí, học thầy, học bạn, học mọi người, học từ cái tốt và cả từ cái chưa tốt. Học nữa, học mãi, học suốt đời để luôn tiếp cận với cái mới, luôn tiếp xúc với đỉnh cao của trí thức.
Học tập để thành tài cũng không ít gian khổ, khổ luyện thành tải. Các cụ xưa thường lấy những gương khổ học trong các điển tích người xưa để khuyên dạy con cháu như bắt đom đóm thay đèn học ban đều, như Cao Bá Quát luyện chữ, như Lưu Bình quyết chí học đỗ tiến sĩ để rửa nhục do Dương Lễ giả tạo ra nhằm kích cầu giúp bạn thành đạt ..v.v..
NHÂN ĐỨC là có lòng thương người, sống không chỉ vì mình, mà còn vì mọi người, vì đất nước, vì nhân loại. Nhân đức được các cụ xưa coi là cái gốc, cái nền để giáo dục con cháu thể hiện trong các bài văn lưu truyền trong họ, nằm trong bài văn tế tổ:
Lan trang đất ở
Xây đắp nhân cơ
Vun trồng đức thụ
Lại như câu đối trong nhà thờ tổ:
Tổ triệu tông bồi nguyên Vĩnh Trị
Nhân cơ nghĩa chỉ bốc Hưng Long
Sáu chữ trên là quá trình TU THÂN, tu dưỡng bản thân để có đức có tài. TU THÂN là bước đầu, bước cơ bản để bước vào một quá trình lập nghiệp lớn “TU THÂN, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.
Quá trình tám chữ trên không phải là một quá trình riêng rẽ, chờ xong bước trước rồi mới đến bước sau, mà là một quá trình liên tục, song song, đan xen nhau, hỗ trợ nhau và nâng nhau lên để thành đạt.
Đức và tài là hai năng lực đi liền với nhau, hỗ trợ nhau để phát triển. Có Tài mà không có đức thì thường “chữ tài liền với chữ tai một vần". Người ta thường nói “lắm tài nhiều tật". Có đức mà không có tài thì chỉ được lòng người thương mến, mà ít có khả năng thành đạt lớn. Nhưng giữa đức và tài phải lấy đức làm đầu và lấy tài làm trọng.
Để lập nghiệp thành đạt, ngoài có đức có tài, còn phải gặp được thời cơ.Có thời cơ mới phát huy được đức tài. Có đức tài mới nắm bắt được thời cơ hoặc chủ động tạo ra thời cơ. Vì thế phải TU THÂN TỐT, chuẩn bị tốt đức tài để không bỏ lỡ thời cơ, thời cơ thường không đến nhiều lần. Gặp được thời cơ Thuận lợi nhiều hay ít thì tuỳ đức tài cao hay thấp mà làm nên sự nghiệp lớn hay nhỏ trong quá trình phát triển “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.
Nguyễn Trọng Khiển
(Viết theo tinh thần cuộc hội thảo của Hội đồng gia tộc mở rộng 09-1999).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét